Nhắc tới xứ Nghệ người ta thường nghĩ đến các món đặc sản cháo lươn,
nhút hay thứ bánh có nguồn gốc Hà Tĩnh – cu đơ. Tuy nhiên, ít ai biết
tới món bánh mướt – xáo lòng, một món ăn độc đáo, đậm đà hương vị mà ai
từng một lần ăn sẽ nhớ mãi.
Nguyên liệu:
Bột gạo tẻ xay, hành lá tươi, hành phi dầu. Bánh mướt thoạt nhìn qua, nhiều người sẽ lầm tưởng với bánh cuốn của
miền Bắc, thế nhưng hương vị thì khác biệt.
Bánh mướt được làm từ bột
gạo tẻ ngâm với nước trong nhiều giờ liền, sau đó mới mang đi xay
nhuyễn. Trước đây, bột bánh được xay bằng cối đá nhưng bây giờ, với công
nghệ hiện đại, người ta đã chế ra chiếc máy xay bột bánh giúp giai đoạn
chế biến đỡ vất vả hơn.
Cối đá xay bột bánh thủ công thường dùng trước đây
Bột sau khi xay xong muốn được dai ngon phải để lắng tiếp khoảng độ 2
tiếng nữa rồi mới mang đi tráng. Đầu tiên sẽ cho nước vào gần sấp đầy
nồi tráng bánh, sau đó bọc một lớp vải mịn lên miệng nồi. Đưa nồi tráng
lên bếp và đun sôi nước. Khi nước sôi, múc từng muỗng bột gạo mới xay
trải mỏng đều lên lớp vải mịn. Ở giai đoạn này đòi hỏi người tráng phải
thật đều tay và khéo léo nếu không bánh sẽ bị dày, nứt không chín hoặc
bị nhão. Lửa đun nồi tráng phải đều và lớn nên người ta thường sử dụng
bếp củi để làm.
Các công đoạn chế biến bánh mướt
Hơi nước từ trong nồi tráng bốc lên sẽ làm chín bánh, sau đó người
làm sẽ kéo tấm bánh bằng một chiếc đũa bếp ra chiếc mâm đặt cạnh và cuộc
tròn lại. Rải ít mỡ hành chưng trước đó cho bánh thêm bóng bẩy, thơm
ngon. Và cuối cùng là xếp đều bánh vào chiếc rổ lớn có lót lá chuối xanh
ở dưới.
Và rổ bánh thành quả
Thơm phức xáo lòng
Nguyên liệu làm món này cũng không quá cầu kỳ. Bạn chỉ cần chuẩn bị
bộ lòng lợn (lòng non, tim, gan, cật, dồi trường, dạ dày) và tiết lợn.
Thêm ít hành tăm (loại hành bé, thơm) hoặc hành khô có bán ở chợ, hành
lá tươi.
Lòng lợn mua về bóp muối, chanh khử sạch mùi. Sau đó tất cả thái miếng nhỏ vừa ăn.
Món lòng nấu xáo
Phi thơm hành tăm/hành khô cùng dầu ăn. Sau đó cho lòng sống vào đảo
săn khoảng 5 phút rồi nêm gia vị. Tùy khẩu vị ăn nhạt hay mặn mà bạn cho
bột nêm/ bột canh vào lòng.
Sau khi lòng đã săn, chế thêm một bát lớn nước vào lòng nấu sôi.
Lượng nước chế vào tùy vào số người dùng. Với khoảng 3-4 người, bạn có
thể cho một bát tô nước.
Sau khi nước sôi, cho tiết vào đảo đều nhanh tay đến lúc tiết chuyển
màu đỏ thẫm chín rồi nhắc nồi ra khỏi bếp. Thêm mì chính, hành lá vào để
tăng hương vị cho món lòng xáo.
Bày rau thơm và bánh mướt, lòng xáo ra bàn. Bạn có thể cắt bánh thành
từng miếng nhỏ cho vào bát lớn lòng xáo để thưởng thức. Hương vị dịu,
thơm của bánh mướt hòa quyện cùng vị béo ngậy của món lòng xáo chắc chắn
sẽ cho bạn cảm nhận khác biệt.
Thông thường, bạn có thể mua bánh mướt bán sẵn về và chỉ việc chế
biến món xáo lòng để ăn cùng. Ở Nghệ An, người ta thường có thể ăn bánh
mướt với xáo gà thay cho xáo lòng. Gà cũng được nấu xáo (cho nhiều nước)
để chan đầy bánh mướt. Với hầu hết người con xứ Nghệ, món bánh mướt xáo
lòng luôn là món ăn đậm chất quê hương mà ai đi xa đều khắc khoải nhớ
về.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét